Những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học \ok

Có những chuyện trước khi đi tôi nghĩ là không đáng ngại lại hóa ra thành trở ngại lớn, có những chuyện tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ hóa ra lại chỉ là bình thường.

Tôi bắt đầu con đường du học của mình năm 24 tuổi — cái tuổi tương đối chín chắn so với mặt bằng chung các bạn trẻ du học bây giờ. Cộng với bề dày kinh nghiệm tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, thực tập ở nước ngoài, và giao lưu với bạn bè quốc tế, tôi nghĩ mình sẽ không gặp qúa nhiều bỡ ngỡ. Vậy mà quá trình du học, đặc biệt là ở năm đầu tiên, đã khiến cho tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu, đôi khi tôi thầm nghĩ đối với một người đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, và chịu khó quan sát như mình mà vẫn còn bỡ ngỡ thì những em nhỏ hơn, sang nước ngoài từ những năm 15-16 tuổi để học phổ thông hay từ những năm 18 tuổi để học đại học thì sẽ như thế nào? Lại còn có cả những gia đình mang theo con nhỏ, các thành viên sẽ hòa nhập với cuộc sống mới ra sao?

Những suy nghĩ ban đầu này là động lực để tôi thực hiện bài viết này về những điều tôi ước mình biết trước khi đi du học. Hy vọng những chia sẻ ngắn gọn này sẽ giúp cho những ai đang dự tính hoặc đã chuẩn bị du học/sống ở nước ngoài sẽ có thêm một góc nhìn mới.

1. Khoảng cách văn hóa là rất lớn

Tôi biết bạn đang nghĩ gì. Chuyển sang ở một đất nước xa lạ thì đương nhiên là phải có khác biệt văn hóa, có gì đâu để mà bất ngờ. Nhưng thực sự, đối với một người quen với văn hóa phương Tây, có rất nhiều bạn bè (thậm chí cả bạn trai) là người Mỹ, khi sang đến nơi, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng vì văn hóa khác biệt — một điều mà trước khi đi, tôi chưa từng nghĩ đến.

Sự khác biệt đến từ những thứ rất đơn giản như cách người ta hỏi: “How are you?” (Bạn thế nào?) một cách xã giao mà không đợi câu trả lời rồi lướt qua mình đi thẳng, đến những thứ phức tạp đa chiều hơn như cách một số người không quan tâm đến bạn là ai, cứ thấy Châu Á là chỉ quy cho là Trung Quốc, rồi những câu nói, những hành động vô tâm đến mức gây ức chế hàng ngày (microagression).

Năm đầu tiên tại Mỹ, tôi nhận ra không phải người Mỹ nào cũng có tư duy cởi mở, cũng thân thiện, và quan tâm học hỏi về các nước khác như những người bạn Mỹ tôi từng gặp khi ở Việt Nam. Và tôi tự hỏi, sự khác biệt này là do mình (vì mình chưa hiểu hết về văn hóa, ngôn ngữ; mình hành xử chưa đúng) hay do người bản xứ?

Tôi cũng có nhiều người bạn mới sang cảm thấy thất vọng, bất an, và tự ti vì khoảng cách văn hóa lớn đến mức bất ngờ này.

Sau này, khi đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, tôi nhìn lại và nhận ra rằng vấn đề của mình là đã quy chụp tất cả người Mỹ dưới hình ảnh một bộ phận nhỏ những người Mỹ hay đi du lịch, làm thiện nguyện, giao lưu quốc tế — những người này bản chất họ đã cởi mở, thân thiện, và ham hiểu biết về thế giới xung quanh rồi.

Những người chưa từng đến những vùng miền văn hóa khác, lẽ đương nhiên hiểu biết và sự nhạy cảm về văn hóa của họ cũng sẽ thấp và phiến diện hơn. Ở đâu cũng vậy thôi, chúng ta càng đi nhiều, càng chịu khó tìm hiểu thì sẽ có con mắt càng bao dung hơn và trái tim đồng cảm hơn với sự khác biệt.

Từ sự nhìn nhận này, tôi có thêm cảm hứng để đi nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn từ các nền văn hóa khác, bớt thói quen chụp mũ, phán xét người khác khi chưa hiểu rõ về họ, và sống thân thiện hơn với tất cả mọi người.

2. Ngôn ngữ quan trọng nhưng không phải là tất cả

Khi còn ở Việt Nam, tôi thường để ý trên lớp, trong hội thảo, hay giao tiếp thông thường, mỗi khi nghe thấy người Việt nào nói tiếng Anh “chuẩn” một chút (tức là có âm điệu hay, lên xuống rõ ràng, tự tin) là mọi người đều đổ xô con mắt thán phục, lắng tai nghe từng từ một, thậm chí tự nhẩm lại để học phát âm.

Có lẽ vì nói tiếng Anh tốt là điều mà nhiều người Việt mơ ước nên mỗi khi nghe thấy ai nói hay là thán phục, còn nội dung nói có thể xem xét sau. Trong khi đó, nhiều người có ý tưởng rất hay nhưng khi truyền đạt bằng tiếng Anh thì không được suôn sẻ nên rất ít khi được người khác chú ý, kiên nhẫn nghe nội dung.

Phải thú nhận rằng, khi còn đi học, bản thân tôi cũng là một người lạm dụng khả năng nói tiếng Anh tốt để lấp liếm đi nhiều thiếu sót mặt nội dung khi thuyết trình, tranh luận — điều này từng đem lại cho tôi nhiều cơ hội tốt mà giờ nghĩ lại tôi nghĩ mình chưa thực sự xứng đáng.

Khi sang Mỹ du học, tôi nhận ra rằng tiếng Anh của mình cũng chỉ ở mức bình thường, thậm chí dưới mức bình thường nếu so sánh với những người bản xứ. Đây là vấn đề của những người sử dụng ngôn ngữ thứ hai, dù bạn có giỏi đến đâu cũng sẽ có những cách luyến láy, phát âm, phản xạ từ ngữ không thể bằng người dùng ngôn ngữ mẹ đẻ (hãy nghĩ đến những người nước ngoài học nói tiếng Việt).

Bởi thế, khi đi du học, ngôn ngữ rất quan trọng để giao tiếp có thể thông suốt nhưng nó không phải là tất cả. Đừng nghĩ rằng mình nói tiếng Anh hay thì cái gì cũng có thể biến tấu được. Thứ nhất, những người bản xứ họ nói hay hơn ta nhiều. Thứ hai, khi ngôn ngữ đã trở thành “bình thường” thì nội dung nhất thiết phải đặt lên hàng đầu.

Bởi vậy, tôi thường có lời khuyên cho các bạn du học sinh mới rằng: Nếu bạn đã sử dụng ngoại ngữ tốt rồi, hãy cứ phát huy NHƯNG nên khiêm tốn, học cách nói có trước có sau, lịch sự, từ tốn. Nếu bạn chưa sử dụng ngoại ngữ tốt, đừng lo, hãy xem đây là cơ hội để học lại một cách chuẩn xác nhất.

Với tất cả mọi người, khi đi học hãy tập trung vào hấp thụ kiến thức, trau dồi khả năng học tập của bản thân, nâng cao chất lượng nội dung mỗi lần phát biểu, mỗi câu nói của mình. Cho đến cuối cùng, ngôn ngữ chỉ là công cụ để thể hiện nội dung quan trọng cần truyền đạt mà thôi.

3. Trưởng thành không hẳn là thay đổi tính cách

Tôi biết rằng rất nhiều người có con cái, bạn thân, người yêu… chuẩn bị đi du học và lo lắng nghĩ rằng cuộc sống mới ở nước ngoài sẽ làm cho du học sinh thay đổi hoàn toàn, không còn là người mà mình quen trước đây nữa. Bởi vì “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, bạn càng đi nhiều thì sẽ càng mở mang và trưởng thành hơn — không chỉ riêng gì việc đi du học.

Đúng là nhiều du học sinh khi từ nước ngoài về có vẻ thay đổi hoàn toàn (đặc biệt là những bạn đi du học từ phổ thông hay đại học — khi tâm lý, tính cách vẫn còn chưa được định hình), dẫn đến bố mẹ ngạc nhiên về con, bạn bè không nhận ra nhau, người yêu có thể còn chia tay vì khác biệt quá lớn.

Tuy vậy, sự thật là khi trưởng thành, con người ta không thay đổi hoàn toàn để biến thành một người khác, mà thường chỉ thay đổi để gần hơn với bản chất thật của mình mà thôi.

Có một câu nói rất hay của Anne Rice như thế này: “None of us really changes over time. We only become more fully what we are” (Không ai trong chúng ta thực sự thay đổi qua thời gian. Chúng ta chỉ trở thành chính mình hơn mà thôi).

Tôi đã từng chứng kiến sự trưởng thành của bản thân, bạn bè, và rất nhiều học trò khi đi du học và nghiệm ra rằng tất cả những nét thay đổi trong con người của họ sau này đều vốn đã có từ trước rồi. Sau quá trình trưởng thành, nó chỉ rõ nét hơn mà thôi.

Bởi vậy, nếu bạn đang cảm thấy thất vọng vì sự thay đổi của ai đó (hay thậm chí của chính mình) khi đi du học, đừng buồn! Đấy vẫn là con người của ngày xưa, với những nét tính cách tựa như trước, chỉ là chúng nay đã có những nét đậm, nét nhạt khác đi mà thôi.

4. Tách khỏi gia đình đôi khi là điều cần thiết

Có lẽ, cái mất lớn nhất của du học sinh là phải xa gia đình nhưng cái được lớn nhất của du học sinh cũng là được xa gia đình. Dù bạn có được nuôi dạy độc lập đến mấy, đã từng sống một mình bao nhiêu lâu thì gần như không có trải nghiệm nào có thể so sánh được với việc đi du học — khi mà bố mẹ cách xa mình đến hàng trăm nghìn cây số.

Tôi đã từng chứng kiến những anh chị đã có gia đình, có con nhỏ, ở riêng nhiều năm xa gia đình ở Việt Nam rồi mà khi sang nước ngoài vẫn chới với vì không có “ông bà” gần gũi chăm sóc, “tiếp tế”, chia sẻ tình cảm thường xuyên.

Tuy nhiên, cũng bởi vì thế, tách khỏi gia đình là một trải nghiệm vô cùng quan trọng để trưởng thành. Ta chỉ có thể dũng cảm thay đổi và làm chủ cuộc đời mình khi nhìn lại sau lưng không còn điểm tựa. Không còn tấm đệm êm ái nào để ngã vào, mỗi lần ngã là một lần đau, bởi vậy ta lại càng phải học cách sống mạnh mẽ hơn, độc lập hơn, và cẩn trọng hơn.

Xa gia đình cũng là để hiểu thấu hơn tình yêu và sự hy sinh của cha mẹ. Khi còn ở nhà, ta dễ quen với việc được thương yêu chăm sóc và cho đó là hiển nhiên. Nhưng phải đến khi ở một mình nơi đất khách, chẳng có ai cho không mình một chốn đi về, không có cơm ngon canh ngọt chờ mỗi tối, không có người ra vào hỏi: “Hôm nay con đi học/đi làm như thế nào?” – phải khi đó, ta mới “thấm” được sự quý giá của gia đình.

Bởi thế, các bậc làm cha mẹ đừng quá lo lắng khi thấy con cái đi xa nhà. Tạo điều kiện cho con ở xa nhà, đôi khi lại là điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con.

5. Cuộc sống sẽ có những lúc vô cùng khó khăn

Tôi còn nhớ lần đầu tiên mình đặt chân đến nước Mỹ năm 19 tuổi (trong một chuyến trao đổi ngắn ngày), tôi đã yêu sự đa văn hóa, đa chủng tộc của đất nước này đến như thế nào. Tôi còn nhớ mình mua một chiếc áo xanh có chữ UNT (University of North Texas), mặc ngay trong cửa tiệm, và hòa mình vào giữa đoàn sinh viên đủ màu da, tôn giáo, chủng tộc đi lại hối hả trong sân trường.

Khi đó, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, tự do, tôi cảm thấy mình không khác biệt so với mọi người; dường như sẽ không có gì làm tôi cảm thấy thiệt thòi khi ở một đất nước như thế này.

Thế nên, vài năm sau khi về Việt Nam, tôi rất bất ngờ khi nghe người bạn Mỹ gốc Việt của mình ở UC Berkeley nói muốn làm đề tài nghiên cứu về bình đẳng cho người thiểu số tại Mỹ. Tôi ngây ngô hỏi: “Tại sao cậu làm đề tài này?” Bạn trả lời: “Tại sao á? Vì mình là người thiểu số”. Tôi mới kể lại cho cậu ấy kỷ niệm của mình trên nước Mỹ và cảm giác hòa nhập cùa mình như thế nào. Cậu ấy mới cười bảo: “À, đó là bởi vì bạn chưa ở lâu mà thôi!”

Thật vậy. Khi đến một nơi mới trong một thời gian ngắn, đặc biệt nếu là để du lịch, giải trí đơn thuần, thì rất khó để thấy mặt trái của xã hội nơi đó — người ta vẫn gọi đây là thời kỳ “trăng mật”. Qua thời kỳ này rồi, nếu bạn muốn ở lại lâu dài, thậm chí trở thành người nhập cư ở đất nước đó, bạn sẽ càng gặp nhiều vấn đề khó khăn hơn và càng thấm thía hơn nỗi vất vả và ức chế của những người ở địa vị thấp.

Nói ra những điều này không phải để chê nước Mỹ vì nước Mỹ cũng giống như Việt Nam và tất cả các quốc gia khác — đều có mặt mạnh, mặt yếu, và những việc ta cần chung tay làm để thay đổi.

Nhưng đã là du học sinh, bạn cần lường trước rằng cuộc sống của mình sẽ gặp nhiều khó khăn mà không biết chia sẻ cùng ai. Bạn có thể bị kẻ xấu lừa, bị trộm mất tài sản, bị người khác đối xử bất công, bị chèn ép, bị khủng hoảng… Đây là những việc xảy ra hàng ngày, dù ở đất nước thanh bình đến thế nào đi chăng nữa. Điều quan trọng là ta chuẩn bị cho mình một hệ thống những người hoặc những tổ chức luôn sẵn sàng ủng hộ và sẻ chia với mình (support system) để không bao giờ có cảm giác mình bị dồn đến đường cùng.

Nếu bạn là du học sinh mới và chưa có nhiều bạn bè, hãy tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý, luật pháp, và các tổ chức sinh viên trong trường để được tư vấn; đừng ngại mở lời nhờ người khác giúp đỡ — hãy nhớ rằng không ai có thể giúp được bạn nếu người ta không biết bạn đang phải trải qua những gì.

6. Rồi mọi chuyện sẽ ổn

Đúng vậy. Rồi mọi chuyện sẽ ổn.

Có thể bạn đang cảm thấy cả thế giới như sập xuống, tất cả đều đi trái mong ước của mình. Dù có là gì, hãy tin rằng, mọi chuyện đều có hướng giải quyết riêng của nó. Chỉ cần là bạn không bỏ cuộc. Ở đâu đó, sẽ luôn có “Plan B”.

(Theo Thepresentwriter.com)

Lần đầu tiên có nữ du học sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa ngành Dược một trường Đại học lớn tại Mỹ \ok

“Mình sẽ ở Mỹ làm thêm 5 năm, sau đó liên lạc với một số trường ĐH ở quê hương nếu được mình cũng muốn về giảng dạy. Mình rất muốn góp phần cải thiện về việc quản lý và sử dụng thuốc ở Việt Nam”, Hồng Ngọc tâm sự

Ngày 3/5 vừa qua, tại trường Đại học Dược Tyler bang Texas – Mỹ, cô nàng lớp trưởng Nguyễn Thị Hồng Ngọc, sinh năm 1991, đến từ tỉnh Bình Định đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn sinh viên khác để giành lấy cho mình danh hiệu thủ khoa khoá Dược đầu tiên, và được vinh dự đứng trước toàn trường phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp trang trọng.

Lần đầu tiên có nữ du học sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa ngành Dược một trường Đại học lớn tại Mỹ

Với tài năng của mình, cô nàng đã được tờ báo Tyler Morning Telegraph đưa tin lên trang nhất khi là cô gái Việt đầu tiên trở thành nữ thủ khoa Dược của UT Tyler College of Pharmacy

“Mình học ngoại ngữ nên lúc nào cũng ao ước về việc đi du học. Gia đình quyết định cho mình đi Mỹ vì có bà con mà mình có thể ở nhờ”, Hồng Ngọc chia sẻ lý do tại sao chọn Mỹ là miền đất hứa cho tương lai khi đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Tổng hợp Anh của trường Đại học Quy Nhơn.

Trước khi gắn bó với ngành Dược thì cô nàng đã phải mất 1 năm ở Mỹ để tìm hiểu mình giỏi điểm nào, hợp với cái gì nhất, sở trường, sở đoản của bản thân. Phân vân giữa 3 lựa chọn y tá, bác sĩ hay dược khi mỗi ngành đều có yêu cầu khắc nghiệt riêng, cuối cùng chọn Dược vì theo Hồng Ngọc: “Dược là sự kết hợp giữa khoa học và kỹ năng giao tiếp, ra trường dễ tìm việc làm, quan trọng không phải học quá lâu như ngành bác sĩ”.

Du học xa xứ nên Hồng Ngọc rất nhớ nhà, nhớ món ăn, và những lúc ấy cũng chỉ biết tự tạo động lực như đi tham gia tình nguyện để với bớt nỗi buồn. “Tuy nhiên may mắn là gia đình cũng tạo điều kiện cho mình về thăm hầu như mỗi kỳ nghỉ hè”, cô nàng chia sẻ

Tuy có phần may mắn hơn những du học sinh khác khi có gia đình đứng sau lưng hỗ trợ, nhưng Hồng Ngọc chưa bao giờ ỷ lại mà luôn cố gắng đạt thành tích để gia đình tự hào. Bằng chứng sau 2 năm học cơ bản ở trường Richland College, thì trong suốt 4 năm học tập tại trường UT Tyler College of Pharmacy, năm nào cô nàng cũng nhận được học bổng với tổng trị giá gần 20.000 USD. Ngoài ra, cô nàng còn đi làm gia sư được trường thuê để dạy kèm các bạn khác. Theo Hồng Ngọc: “Ngành y dược hầu như không có học bổng 100% như các ngành khác, có thể vì lương của nhân viên y tế sau khi tốt nghiệp rất cao nên lúc học không được nhiều khuyến khích như những ngành khác”.

Với thành tích học tập cao, vừa ra trường Hồng Ngọc đã được nhận vào vị trí resident ở Methodist Dallas Medical Center, cả lớp 80 bạn nhưng chỉ có 7 bạn được vào. “Nếu bạn muốn đi bán thuốc thôi thì bạn ra trường đi làm luôn cũng được, nhưng ham hố như mình thì phải vừa học vừa làm thêm, vì mình muốn đi sâu vào chuyên ngành và sau đó giảng dạy”.

Cô nàng mong muốn có thể về nước làm một vài dự án có ích cho sức khỏe cộng đồng

Chia sẻ về tương lai, nữ thủ khoa cho biết mình sẽ trở về quê hương, muốn được đi đi về về cả hai nước, đặc biệt cô nàng rất muốn về Việt Nam giảng dạy, “Mình rất muốn góp phần cải thiện về việc quản lý và sử dụng thuốc ở VN. Cái đó thì không phải một sớm một chiều là được nên chắc là trong tương lai mọi thứ mới có thể xảy ra”, Hồng Ngọc bày tỏ.

Khi hỏi về đời sống cá nhân thì được biết Hồng Ngọc đã lập gia đình ở Mỹ đã được 4 năm, kể từ khi chuyển qua học ở trường Tyler, ông xã cũng là người trong ngành Y. Tuy bản thân rất muốn học lên cao nhưng do gia đình ngăn cản quá nên tạm dừng, “Mình muốn thi lấy thêm bằng chuyên khoa về ung bướu, mất ít nhất khoảng 2 năm vừa học vừa làm thì mới đủ điều kiện thi. Xong thì mình muốn lấy thêm một bằng thạc sỹ về quản lý nữa”, cô nàng tâm sự.

http://cafebiz.vn/lan-dau-tien-co-nu-du-hoc-sinh-viet-tot-nghiep-thu-khoa-nganh-duoc-mot-truong-dai-hoc-lon-tai-my-20190606084558431.chn

Những cú sốc du học Hà Lan \ok

Kinh nghiệm của du học sinh Việt Nam tại Hà Lan giúp bạn trẻ du học Hà Lan chuẩn bị tốt tâm lý và kiến thức để hòa nhập với môi trường sống, học tập ở đất nước hoa tulip.

Cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Hà Lan học tập tương đối rải rác. Chất lượng đào tạo ở Hà Lan đã được quốc tế ghi nhận về tính thực tế và ứng dụng cao. Có rất nhiều trường ở Hà Lan nằm trong những trường danh tiếng nhất thế giới.

Chậm rãi và quy củ

Mở tài khoản ngân hàng là một trong những việc đầu tiên cần làm của du học sinh khi sang nước sở tại. Khi mới sang Hà Lan, tôi đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, phải đến vài tuần sau tôi mới nhận được thẻ và mật khẩu tài khoản online cũng chỉ vì ngân hàng quá… chi tiết. Chỉ riêng việc kích hoạt mã PIN thôi ngân hàng đã gửi đến vài bức thư hướng dẫn, tôi đi đi về về hai, ba lần mới xong. Sống ở Hà Lan một thời gian, tôi khám phá ra rằng người châu Âu làm gì cũng chậm rãi và quy củ, đặc biệt trong những việc liên quan đến giấy tờ và chính sách. Thế nên bài học đầu tiên là: Kiên nhẫn và thực hiện đúng quy trình.

Không như ở châu Á, đa số người châu Âu không tham làm việc. Các siêu thị, cửa hàng thường chỉ mở cửa đến 6 giờ tối, bất kể mùa đông hay mùa hè, trừ các TP lớn các cửa hàng có thể mở cửa muộn hơn một chút. Hà Lan cũng không ngoại lệ. Bạn nào nấu ăn nên lưu ý điều này nếu không muốn… nhịn đói vào hai ngày cuối tuần hoặc bỏ một số tiền lớn cho một bữa ăn ở nhà hàng. Tôi đã từng phải trải qua một Giáng Sinh chỉ có bánh mì và nước lọc vì đi chơi về trễ và không kịp ra siêu thị mua thức ăn. Từ đó về sau, mỗi khi đến dịp hội hè, tôi đều phải tranh thủ đi chợ từ mấy ngày trước để chất đầy thức ăn trong tủ lạnh.

Di chuyển từ Hà Lan đến khắp châu Âu rộng lớn, bạn sẽ choáng ngợp bởi những kiến thức thực tiễn mà mình có thể tích lũy được chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhiệt độ 3-4oC

Hồi mới sang Hà Lan học, tôi đã viết trên Facebook của mình những dòng như thế này: “Mình thấy lá vàng rơi mà sao không lãng mạn gì hết, chỉ thấy ảm đạm thê thiết. Thay vì nắng vàng ươm rực rỡ như mấy hôm mùa hè, trời u ám xám xịt. Gió lùa thốc tháo. Mỗi sáng mở cửa sổ lại thấy mưa thường trực. Nhiệt độ chừng 8-9oC, có khi xuống 3-4oC. Mình khi đó chỉ muốn ngồi trong phòng quấn ba lớp chăn dày thay vì vừa đạp xe vừa xuýt xoa vì gió lạnh”.

Với những người sinh ra và lớn lên ở xứ nhiệt đới thừa nắng quanh năm thì việc phải làm quen với thời tiết ôn đới trong một thời gian ngắn không phải là chuyện dễ dàng. Đó là còn chưa kể đến “đặc sản” của Hà Lan – đất nước của gió và cối xay gió. Tôi đã không ít lần cảm thấy tủi thân ghê gớm khi cứ phải cắm cúi đạp xe hết con dốc này đến con dốc khác để tới trường trong khi gió thốc tháo tạt ngang tạt dọc trong những ngày mùa đông giá rét. Thời tiết ở Hà Lan cũng nổi tiếng về sự “đỏng đảnh” sớm nắng chiều mưa nên người Hà Lan có tục lệ chào nhau bằng câu “How is the weather?” (Thời tiết thế nào?), thay vì câu hỏi thông thường “How are you?” (Bạn khỏe không?) là vì vậy.

Mặc sức di chuyển trong “châu Âu khổng lồ”

Các nước châu Âu hầu hết đều có diện tích nhỏ nhưng nhờ có hiệp ước Schengen – hiệp ước về tự do đi lại được ký kết giữa 26 nước châu Âu, việc di chuyển giữa các nước trong khối này trở nên dễ dàng như thể đi từ TP này sang TP khác trong một “quốc gia khổng lồ” châu Âu. Tôi cho rằng dù bận rộn học hành như thế nào, bạn cũng nên sắp xếp thời gian đi du lịch để học thêm và trải nghiệm những điều trước đây chỉ được nghe kể hoặc đọc qua sách báo.

Những chuyến đi đã cho tôi tận mắt thấy những cánh đồng cỏ Hà Lan tượng trưng một nền nông nghiệp trù phú và hiện đại; những quảng trường rộng lớn của xứ Hy Lạp giúp tôi mường tượng về những “người kể chuyện” thông thái thời cổ đại; bảo tàng Louvre thu nhỏ cả nền văn minh nhân loại từ thời Babylon, Lưỡng Hà, Ai Cập; thành Vienna là một minh chứng về sự xa hoa đế vương; hay những công trình xù xì của Berlin cho tôi cảm nhận sâu sắc về tinh thần thép của một dân tộc “cõng cả châu Âu trên vai”… Ở các nước châu Âu, từ các loại dịch vụ vận chuyển như máy bay, tàu xe… đến các bảo tàng, địa điểm vui chơi luôn có ưu đãi dành cho sinh viên và những người trẻ dưới 26 tuổi. Thế nên đừng ngại đi và khám phá thế giới rộng lớn này!

https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/nhung-cu-soc-du-hoc-ha-lan-452853.html

PHẠM THỦY TIÊN (Du học sinh tại Hà Lan)

Du học Hà Lan, 15 việc cần chuẩn bị \ok

Nhận được thư mời nhập học từ trường đại học mong muốn là tin tuyệt vời, nhưng đó chỉ là khởi đầu. Có rất nhiều điều bạn cần sắp xếp trước khi bắt đầu học, chẳng hạn trả tiền học phí, tìm chỗ ở, đăng ký tham gia các sự kiện giới thiệu…

Cách tốt nhất để chắc chắn rằng bạn không bỏ sót bất cứ điều gì là lập danh sách ghi lại tất cả mọi việc cần hoàn thành, và sau đó bắt đầu giải quyết từng thứ một. Để giúp sinh viên mới sẵn sàng cho việc học tại Hà Lan, Đại học Khoa học ứng dụng NHTV Breda đã biên soạn danh sách mang tính minh họa với 15 bước được chia thành 3 phần quan trọng.

Bạn nên lập một danh sách ghi lại tất cả mọi việc cần hoàn thành. Ảnh: Eurogates

Hoàn thành hồ sơ

1. Đăng tải bản sao các văn bằng, chứng chỉ

Bạn có thể nộp đơn xin học vào một trường đại học Hà Lan cùng năm bạn tốt nghiệp ở trong nước. Bạn không cần bằng tốt nghiệp khi nộp đơn ban đầu. Nhưng khi bạn đã có bằng, đừng quên đăng tải bản sao lên trang web của trường đại học hoặc Studielink để hoàn thành các yêu cầu về hồ sơ.

2. Gửi toàn bộ hồ sơ qua đường bưu điện

Sinh viên quốc tế sẽ nộp hồ sơ ban đầu cho trường đại học Hà Lan qua Internet và có thể chứng minh năng lực của mình bằng những văn bản “kỹ thuật số” này. Tuy nhiên, sau khi hồ sơ xin nhập học được phê duyệt, hầu hết trường đại học sẽ yêu cầu người nộp gửi bản xác minh các văn bằng, chứng chỉ của họ qua đường bưu điện.

3. Trả học phí và chi phí sinh hoạt

Trong hầu hết trường hợp, các trường đại học yêu cầu sinh viên phải trả trước học phí cho một năm. Đôi khi có thể nộp học phí theo cách trả góp, theo kỳ hoặc theo tháng. Dù theo cách nào, các trường đại học yêu cầu sinh viên chứng minh năng lực tài chính đủ khả năng sống và học tập tại Hà Lan trong ít nhất một năm.

Thông thường, họ sẽ yêu cầu sinh viên chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của trường để đảm bảo cho đến khi sinh viên đến Hà Lan. Ngoài ra, sao kê ngân hàng chứng minh năng lực tài chính của sinh viên cũng phải nộp cho trường. Bước này là rất cần thiết khi xin visa du học. Đối với năm 2016, sinh viên phải chứng minh có ít nhất 10.350 EUR trong tài khoản.

4. Xin học bổng hoặc hỗ trợ

Nếu đã đăng ký thành công một chương trình học, bạn nên dành thời gian để tìm học bổng hoặc hỗ trợ để giúp bạn trả một phần hoặc tất cả chi phí học tập. Ví dụ, Đại học NHTV Breda đưa ra những xuất học bổng lên tới 7.500 EUR cho bốn năm học cử nhân.

5. Nộp đơn xin khoản vay sinh viên

Nếu là công dân Liên minh châu Âu (EU) hoặc có giấy phép cư trú vĩnh viễn ở Hà Lan, bạn có thể vay tiền từ chính phủ Hà Lan để giúp chi trả chi phí học tập. Khoản vay sinh viên bao gồm một số tùy chọn cho vay có thể đủ trang trải học phí và chi phí sinh hoạt.

Để đảm bảo bạn đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ, hãy chắc chắn đã kiểm tra lại các hướng dẫn liên quan đến thủ tục hồ sơ trên trang web của trường đại học.

Giải quyết các yêu cầu hành chính

6. Xin thị thực du học

Nếu là du học sinh không đến từ các nước trong EU, bạn sẽ cần một thị thực du học và giấy phép cư trú. Trường sẽ xin thị thực cho bạn và sẽ yêu cầu bạn cung cấp các giấy tờ cần thiết. Hãy chắc chắn bạn biết những giấy tờ này và chuẩn bị chúng sẵn khi cần thiết để việc xin thị thực kịp thời gian bạn dự định sang Hà Lan.

7. Tìm nhà

Nhiều trường đại học đề nghị cung cấp chỗ ở cho sinh viên trong quá trình xin học. Trong hầu hết thành phố của Hà Lan, số lượng sinh viên nhiều hơn số lượng chỗ ở trong trường. Đó là lý do tại sao bạn nên chấp nhận ngay lời đề nghị của trường cho dù bạn không thích. Bạn có thể thay đổi chỗ ở sau kỳ đầu tiên.

8. Mua bảo hiểm y tế

Bạn cần bảo hiểm y tế hợp lệ để sống và học tập tại Hà Lan. Đối với mục đích học tập, bảo hiểm y tế tư nhân Hà Lan hoặc một thẻ bảo hiểm y tế EU là đủ. Tuy nhiên, nếu dự định đi làm hoặc thực tập trả lương trong thời gian học, bạn sẽ cần bảo hiểm bổ sung được cung cấp thông qua một công ty bảo hiểm y tế công cộng Hà Lan, thường đi kèm với chi phí bổ sung. Hãy hỏi Văn phòng sinh viên tại trường để giúp bạn tìm một công ty bảo hiểm cung cấp sản phẩm với giá ưu đãi cho sinh viên.

9. Đăng ký thường trú với hội đồng thành phố ở Hà Lan

Bạn sẽ cần nhận được một số dịch vụ xã hội (burgerservicenummer, hoặc BSN), để mở tài khoản ngân hàng, làm thẻ giao thông công cộng, mua một thuê bao điện thoại di động… trong thời gian sống ở Hà Lan. Bạn cũng sẽ cần sử dụng BSN để nhận được một tài khoản DigiD với tên đăng nhập và mật khẩu giúp bạn truy cập trực tuyến các dịch vụ công cộng Hà Lan.

10. Ghi lại những số điện thoại khẩn cấp

Hy vọng rằng bạn sẽ không bao giờ phải sử dụng đến, nhưng sẽ luôn luôn tốt hơn nếu bạn chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp. Văn phòng sinh viên của trường đại học có thể cung cấp cho bạn thông tin liên hệ cần thiết trong bất kỳ tình huống khẩn cấp. Một số trường học, như NHTV Breda, cũng sẽ lưu thông tin của tất cả sinh viên vào các cơ sở dữ liệu khẩn cấp và cung cấp cho họ một thẻ thông minh với tất cả số liên lạc cần thiết.

Tham dự các sự kiện xã hội để làm quen với những người bạn mới. Ảnh: Eurogates

Sẵn sàng cho cuộc sống sinh viên

11. Mua một máy tính cá nhân và các phương tiện học tập

Máy tính xách tay của bạn phải đáp ứng một số yêu cầu hệ thống mà bạn có thể tìm thấy trên trang web của trường. Chúng thường bao gồm việc cài các phiên bản mới nhất của Windows hoặc Mac OS và một phần mềm chống virus. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ cần mua phần mềm học tập và sách giáo khoa cho riêng mình, nhưng có thể mua sách cũ để tiết kiệm tiền.

12. Tham gia những sự kiện giới thiệu

Các trường đại học ở Hà Lan thường tổ chức sự kiện giới thiệu cho sinh viên mới để giúp họ gặp gỡ bạn học và nhân viên của trường. Ví dụ, Đại học NHTV Breda tổ chức Ngày vào trường và một tuần giới thiệu trước khi bắt đầu các kỳ học. Ngày học đầu tiên tại NHTV Breda được tổ chức vào 5/9, nhưng các sinh viên năm thứ nhất cần đến Hà Lan trước 25/8 để chuẩn bị.

13. Học một số từ Hà Lan cơ bản

Bạn học bằng tiếng Anh và bạn có thể nói tiếng Anh ở Hà Lan. Nhưng sẽ luôn là một điều tuyệt vời nếu bạn làm một người địa phương hoặc bạn học bất ngờ khi nói điều gì đó bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Bạn không cần phải tham gia một khóa học tiếng Hà Lan, chỉ cần tải ứng dụng “Hoi, Holland” về máy điện thoại và bắt đầu học.

14. Tìm một công việc làm thêm

Sinh viên từ EU có thể làm việc ở Hà Lan mà không bị hạn chế trong khi các du học sinh khác chỉ có thể làm việc tối đa 10 giờ mỗi tuần hoặc toàn thời gian trong mùa hè. Nhiều sinh viên chọn một công việc bán thời gian để học được một số kinh nghiệm làm việc và kiếm được một chút tiền mặt, nhưng việc tìm được một công việc phù hợp có thể là một nhiệm vụ đầy thử thách. Đi trước một bước bằng cách tìm kiếm một công việc trước và đọc thêm thông tin và kinh nghiệm chia sẻ về làm việc khi du học ở Hà Lan.

15. Gặp gỡ những sinh viên khác trong trường

Tham gia các nhóm hoặc hội sinh viên và tham dự các sự kiện xã hội để làm quen với những người bạn mới. Gặp gỡ những người mới sẽ giúp bạn có được nhiều điều tuyệt vời nhất trong thời gian du học thông qua kết nối thú vị và tình bạn suốt đời.

Việc chuẩn bị du học ở một quốc gia khác cần dành thời gian và công sức, nhưng với danh sách chi tiết việc cần làm, bạn có thể chắc chắn rằng mình không bỏ lỡ bất kỳ bước quan trọng nào. Khi biết những gì cần chuẩn bị trước và hoàn thành chúng, bạn sẽ đảm bảo rằng việc học và thời gian của bạn ở Hà Lan sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên.

https://vnexpress.net/giao-duc/du-hoc-ha-lan-15-viec-can-chuan-bi-3442806.html

Bao giờ về nước? Học xong chưa? – Những câu hỏi đầy ám ảnh mà không du học sinh nào muốn nghe! \ok

Một năm học mới lại bắt đầu. Đối với một bộ phận du học sinh, đây nhiều khi lại không phải là một khởi đầu mới. Đó là điều báo hiệu một học kỳ nữa lại đang đến mà mình vẫn chưa học xong.

Bao giờ về nước? Học xong chưa?

Bạn bè và người thân ở nhà sẽ lại hỏi: “Còn mấy năm nữa thì xong?”, “Bao giờ về nước?”,… Và du học sinh thì vẫn không biết phải trả lời thế nào.

Có một số lý do khiến nhiều du học sinh không thể hoàn thành việc học của mình đúng tiến độ và thường phải kéo dài thời gian ở lại nước ngoài.

Học khó, thi lại nhiều lần

Sinh viên đi học trong nước cũng còn phải thi lên thi xuống mãi mới qua môn. Đối với việc học bằng một loại ngôn ngữ khác thì độ khó được tăng lên gấp mấy lần. Nếu như quá trình học của sinh viên Việt Nam trải qua những giai đoạn nghe giảng – ôn lại bài – nhớ bài – làm bài kiểm tra, thì du học sinh phải đi qua hết thảy nghe giảng – cố gắng hiểu thầy cô nói gì – ôn lại bài – nhớ bài – làm bài kiểm tra phải dịch từ trí nhớ của mình sang một loại ngôn ngữ khác để viết vào bài. Bởi vậy trường hợp thi trượt, thi lại nhiều lần xảy ra cũng nhiều hơn.

Một phương pháp học để đảm bảo chất lượng hơn mà nhiều du học sinh cũng sử dụng đó là đăng ký ít môn trong một kỳ hơn để học cho chắc, thi cho tốt. Việc này cũng sẽ kéo dài thời gian học của mỗi người.

Vừa học vừa làm

Học khó, thi thố vất vả, những du học sinh nào vừa phải đi học vừa phải đi làm còn phải chịu đựng áp lực công việc và áp lực thời gian. Phải sắp xếp thời gian đi học và đi làm sao cho hợp lý, không thể dành toàn bộ sự tập trung cho việc học hành. Một khi không thể đầu tư chu toàn cho một việc thì sẽ không thể làm việc đó nhanh được.

Đã quen với việc sống ở nước ngoài

Có nhiều du học sinh luôn cảm thấy mình “không thuộc về nơi này” thì sẽ quyết tâm học xong nhanh để về nước. Nhưng có nhiều người lại xây dựng được một cuộc sống riêng ở trên nước bạn. Họ có bạn bè và tạo dựng được những mối quan hệ thân quen, đồng thời một công việc ổn định với một mức lương xứng đáng (thường thì đi làm việc gì ở nước ngoài cũng sẽ luôn đảm bảo được việc chi trả cho tất cả mọi loại chi phí và trang trải được mức sinh hoạt cơ bản của một người), lại quen với nếp sống, văn hóa và tư duy ở nơi đó.

Vô hình chung những người này sẽ tự hỏi, từ bỏ mọi thứ mình đang có để trở về Việt Nam làm lại từ đầu liệu có đáng không? Thị trường việc làm không tương xứng, du học sinh bây giờ về nước cũng chỉ nhận được mức lương khởi điểm 7 – 9 triệu đồng, so với số tiền vài chục triệu đồng họ kiếm được ở nước ngoài thì quá chênh lệch. Mức độ văn minh, tư duy và nhận thức của người dân ở nước mình và nước bạn cũng rất khác nhau. Cân nhắc những lợi và hại, sẽ phải đánh đổi những gì, đạt được những gì,… cũng là một sự trăn trở của thế hệ du học sinh hiện nay.

Cho nên câu hỏi “bao giờ học xong”, “bao giờ về nước”,… đối với các du học sinh mà nói, thật sự không hề dễ trả lời. Chỉ mong bạn bè và người thân ở nhà có thể hiểu và thông cảm được cho những nỗi niềm này mà không phán xét, đánh giá hay thúc giục.

http://cafebiz.vn/bao-gio-ve-nuoc-hoc-xong-chua-nhung-cau-hoi-day-am-anh-ma-khong-du-hoc-sinh-nao-muon-nghe-20190910212252765.chn

Sáu bước xin visa du học Canada \ok

Sau khi chọn trường, bạn bắt đầu quá trình xin visa, tập hợp tài liệu cần thiết, như: thư mời nhập học, giấy thông hành, giấy tờ chứng minh tài chính…

1. Chọn trường cao đẳng hoặc đại học

Để xin visa du học, trước hết bạn cần nộp đơn xin học tại một trường cao đẳng hoặc đại học. Khi được trường chấp nhận, bạn sẽ được gửi thư mời nhập học. Đây chính là giấy tờ không thể thiếu để xin visa.

Lưu ý, những trường đạt tiêu chuẩn nhận sinh viên quốc tế phải có mã DLI (Designated learning institutions), tức trường được Bộ Giáo dục Canada công nhận. Du học sinh vào những trường này mới được phép xin visa du học.

Kiểm tra xem trường của bạn có mã DLI hay không.

2. Xác minh xem bạn có thuộc diện bắt buộc phải nộp đơn xin visa

Bạn sẽ không cần phải xin visa du học Canada nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Nhân viên hoặc thành viên trong gia đình của một nhân viên ngoại giao/đại diện nước ngoài được công nhận bởi Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada.
  • Chương trình học ngắn hạn từ 6 tháng trở xuống.
  • Một thành viên của lực lượng quân đội nước ngoài đang thực thi theo Luật Thăm viếng quân sự.
  • Một công dân của quốc gia khác nhưng đăng ký theo diện “thổ dân”.

Một góc Đại học Toronto, nơi thu hút sinh viên quốc tế. Ảnh: Katherine Holland/CBC

3. Bắt đầu quá trình nộp đơn xin visa du học

Sau khi nhận được thư mời nhập học, bạn có thể nộp đơn xin visa du học Canada. Các bước gồm:

  • Lên mạng đăng ký bằng cách truy cập trang web CIC (Citizenship and Immigration Canada – Quốc tịch và nhập cư Canada).
  • Cung cấp thư mời nhập học của trường đại học được công nhận bởi chính phủ Canada.
  • Cung cấp bằng chứng, chứng minh khả năng tài chính có thể chi trả học phí, cũng như sinh hoạt phí tại Canada.
  • Chứng minh bạn không có tiền án, tiền sự khi nộp đơn.
  • Gửi hồ sơ sức khỏe chứng minh có đủ sức khỏe để học tập tại Canada, sau đó làm thêm bất kỳ xét nghiệm y tế nào nếu được yêu cầu.

Một số quy tắc gần đây liên quan đến thị thực cho thấy, nếu thành viên gia đình bạn đang làm việc hoặc đang trong quá trình xin cấp giấy phép lao động tại Canada thì thời gian xử lý đơn xin visa của bạn sẽ mất khoảng 2-3 tuần.

4. Tập hợp các tài liệu cần thiết

Các tài liệu cần thiết cho hồ sơ xin visa du học Canada gồm:

  • Đơn xin visa du học đã được điền đầy đủ thông tin.
  • Thư mời nhập học của trường đăng ký tại Canada.
  • Giấy thông hành hoặc hộ chiếu hợp lệ phải còn hạn sử dụng cho khoảng thời gian dự định lưu trú tại Canada (không bắt buộc nếu là người Mỹ).
  • Hai bức ảnh mới nhất (kích cỡ ảnh hộ chiếu 4×6), với tên và ngày tháng năm sinh.
  • Giấy tờ chứng minh tài chính của người tài trợ.
  • Thư giải thích lý do chọn trường, chọn ngành học…
  • Bằng chứng bạn đã chi trả bất kỳ khoản phí nào liên quan đến giấy phép học tập.
  • Nếu học tại bang Quebec, bạn cần có bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh cho tất cả tài liệu cùng bản sao đã được chứng nhận.

5. Xem xét các yêu cầu liên quan đến ngôn ngữ

Nếu du học sinh đến từ các quốc gia không nói tiếng Anh, trường đại học tại Canada sẽ yêu cầu nộp đầy đủ bằng cấp chứng minh bạn có thể nói thành thạo tiếng Anh. Các loại bằng cấp được chấp nhận là IELTS, TOEFL và Advanced Cambridge English.

Mặc dù đây không phải tài liệu cần thiết để xin được visa du học Canada, có kỹ năng tiếng Anh tốt sẽ giúp ích rất nhiều, nhất là trường hợp bạn phải tham gia một cuộc phỏng vấn du học.

6. Thực hiện các yêu cầu liên quan đến sinh trắc học

Từ cuối năm 2018, chính phủ Canada yêu cầu du học sinh cung cấp đặc điểm sinh trắc học khi xử lý visa du học. Điều này nhằm đảm bảo tình trạng an ninh và duy trì sự lành mạnh, an toàn cho người dân Canada.

Tùy từng quốc tịch mà bạn có thể phải đến trung tâm xin visa ở địa phương để lấy sinh trắc học vân tay. Hãy kiểm tra xem quốc tịch của bạn có nằm trong diện được miễn hay không. Thông thường bạn sẽ tốn khoảng 85 đô-la Canada cho khoản phí này.

Khi bạn nộp đơn làm visa du học, thời gian xử lý thủ tục có thể mất đến 3 tháng, tùy thuộc vào nơi bạn đang sống. Bạn cũng có thể nộp đơn xin gia hạn visa ở Canada nếu muốn tiếp tục việc học ở đất nước này.

Ngoài ra, nếu là sinh viên toàn thời gian tại một tổ chức giáo dục đã được công nhận thì visa du học Canada cho phép bạn làm việc bán thời gian trong khuôn viên trường. Bạn có thể làm việc bên ngoài trường, hoặc làm thực tập sinh, hoặc ở lại Canada và tìm công việc mới sau khi tốt nghiệp.

https://vnexpress.net/giao-duc/sau-buoc-xin-visa-du-hoc-canada-3971022.html

Đi du học, nghe hỏi How are you, thanh niên trả lời luôn câu này và bạn bè biết ngay là người Việt Nam -ok

Từ câu chuyện phiếm đơn giản nhưng lại ẩn chứa phía sau vấn đề lớn lao về việc học Tiếng Anh một cách thụ động, máy móc của nhiều người Việt.

Từ câu chuyện phiếm đơn giản nhưng lại ẩn chứa phía sau vấn đề lớn lao về việc học Tiếng Anh một cách thụ động, máy móc của nhiều người Việt.

Bạn tôi IELTS 8.5, GPA 3.7/4, nhận được học bổng du học toàn phần tại Anh. Ngày đầu tiên đến lớp gặp gỡ bạn bè, một sinh viên bản địa bắt chuyện: How are you? Bạn tôi trả lời như một thói quen: I’m fine, thank you, and you? Bỗng nhiên cậu sinh viên Anh kia sáng rực mắt: Cậu đến từ Việt Nam đúng không?

Bạn tôi ngơ ngác mất mấy giây vì không hiểu vì sao họ lại nhận ra được quốc tịch của mình, phải chăng do phần phát âm quá đặc trưng hay mình nói sai điều gì. Sau một hồi gặng hỏi, bạn tôi mới biết rằng, hoá ra gần như tất cả sinh viên Việt Nam đều có cách trả lời khi hỏi How are you? y chang nhau, giống như cậu vừa trả lời bạn kia vậy. Thực ra với vốn Tiếng Anh IELTS 8.5, cậu có hàng tá câu trả lời khác cực hay ho, khác hẳn câu trên kia nhưng nó như một thói quen ăn sâu vào máu. Từ bé đi học, giáo viên đã dạy cậu nói như vậy rồi, xung quanh bạn bè ai cũng nói vậy và thậm chí sách giáo khoa cũng viết vậy.

Terry F. Buss là giáo sư của Đại học Carnegie Mellon, lấy bằng tiến sĩ Khoa học Chính trị và Toán ở Đại học bang Ohio, cũng từng nhận định rằng: Khi yêu cầu một học sinh Việt Nam nói một câu tiếng Anh, và bạn sẽ nhận được câu trả lời “How are you? I am fine?” (Bạn thế nào? Tôi khỏe?).

Trên thực tế, ở Mỹ hay nhiều quốc gia khác, nếu ai hỏi bạn How are you? đó là một câu chào hỏi thông thường. Nhất là với những người lạ hay người mới gặp, họ không có nhu cầu biết cặn kẽ tình hình sức khoẻ hay tâm trạng của bạn nên bạn cũng không nhất thiết phải trình bày dài dòng. Trường hợp nam sinh bản địa kia phỏng đoán ngay là người Việt vì đơn giản chúng ta thường trả lời giống hệt nhau như vậy, như một phản xạ vô điều kiện.

Chắc chắn ngày trước đi học bạn quá quen với cảnh giáo viên nói to một câu và cả lớp nhắc lại câu đó y như những con vẹt. Và câu I’m fine, thank you, and you? cũng là một trong số đó.Chuyện học Tiếng Anh của nhiều bạn trẻ hiện nay

Việc dạy và học Tiếng Anh hiện nay được thiết kế y hệt các môn Khoa học như Toán, Lý, Hoá, Văn… Tức là học để thi trong khi đây là học về ngôn ngữ. Học một ngoại ngữ mới muốn thành công nhanh nhất phải xem mình như một đứa trẻ. Mọi thứ nên bắt đầu từ nghe nói chứ không phải chỉ chăm chăm vào ngữ pháp để đi thi, để kiểm tra. Điều này dẫn đến thực trạng điểm tổng kết Tiếng Anh cao mà không thể nói một câu hoàn chỉnh hay điểm các chứng chỉ như TOEIC tận 800, 900 vẫn không thể giao tiếp với người nước ngoài. Chương trình của chúng ta dành quá nhiều thời gian cho các tiết ngữ pháp, trong khi một tuần chỉ có vài buổi học Nghe, thậm chí những buổi học Nói học sinh xem như buổi giải lao để chơi vì cũng chẳng có ai để mà giao tiếp. Học sinh phải giành rất nhiều thời gian học quy tắc ngữ pháp, từ vựng để chuẩn bị cho các bài thi, kiểm tra. Học giỏi Tiếng Anh ở lớp nghĩa là bạn thông thạo ngữ pháp, biết nhiều từ vựng còn kỹ năng giao tiếp thì, chưa chắc.

Cách học Tiếng Anh như trẻ con là tốt nhất vì đơn giản, chúng ta dễ dàng nhận thế trẻ con thường lắng nghe cách nói chuyện của bố mẹ và những người xung quanh và bắt chước rồi dần dần tự hình thành nên vốn từ cho mình, không ai dạy chúng nó “ngữ pháp, từ vựng” cả nhưng chúng vẫn có thể từ bi bô tập nói đến thành thạo. Phương pháp nghe trước, nói sau rất quan trọng vì ngôn ngữ nào cũng cần thời gian để hấp thụ. Một đứa trẻ sẽ dành nhiều năm tháng đầu đời để quan sát, lắng nghe, để ngôn ngữ ngấm vào bản thân một cách tự nhiên nhất.

Một sai lầm nữa khi học Tiếng Anh là cái gì cũng dịch sang Tiếng Việt, học Tiếng Anh bằng tư duy Tiếng Việt thì rất khó để tiến bộ nhanh. Dịch từ Tiếng Việt sang Riếng Anh là phản xạ rất tự nhiên của người học cũng giống như việc phát ra câu trả lời I’m fine, thank you, and you? Khi nghe hay giao tiếp, cố gắng dịch sang Tiếng Việt còn khiến chúng ta bị “trễ nhịp”, lúng túng và phản xạ kém tự nhiên. Nếu bạn đang có thói quen này cần bỏ ngay lập tức, hãy học cách “tư duy bằng Tiếng Anh”. Học cách tư duy này bằng cách bắt đầu suy nghĩ, nói những câu Tiếng Anh đơn giản cho đến khi nó thành thói quen. Sau đó hãy tập nói một mình, kể lại một ngày của bạn với chính bạn trong gương chẳng hạn và dần dần hình thành những cuộc hội thoại từ nhỏ đến lớn cho đến khi bạn giao tiếp Tiếng Anh như một phản xạ, không cần phải suy nghĩ xem người ta đang nói gì bằng Tiếng Anh, dịch sang Tiếng Việt để hiểu như thế nào, rồi câu trả lời của mình bằng Tiếng Việt ra sao, dịch sang Tiếng Anh để đáp lại sẽ là câu gì?

Điều khiến học sinh, sinh viên Việt Nam thường trả lời máy móc đó là chính là do học không được tắm mình trong những hoàn cảnh thực tế. Đôi khi, giáo trình hay sách dạy và thực tế giao tiếp của người bản xứ hoàn toàn khác nhau. Giao tiếp hàng ngày rất phong phú, đa dạng và biến hoá khôn lường nhưng chúng ta chỉ dựa hoàn toàn vào sách vở là khó có thể giao tiếp thành thạo rồi. Giáo viên và nhà trường cũng không chịu trách nhiệm cho thành công trong việc học ngoại ngữ của bạn, có thể họ dạy bạn cách để đạt điểm cao nhưng cách để ứng xử ngoài cuộc sống thì chưa chắc. Muốn giỏi, bạn phải tự thân mình thôi.

Everything you need to know about the UCAS deadline

In varius varius justo, eget ultrices mauris rhoncus non. Morbi tristique, mauris eu imperdiet bibendum, velit diam iaculis velit, in ornare massa enim at lorem. Etiam risus diam, porttitor vitae ultrices quis, dapibus id dolor. Morbi venenatis lacinia rhoncus. Vestibulum tincidunt ullamcorper eros eget luctus. Nulla eget porttitor libero.

Continue reading “Everything you need to know about the UCAS deadline”